XỬ TRÍ KHI TRẺ VÀ NGƯỜI LỚN SỐT CAO TRÁNH BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

khám bệnh nhi tại nhà

Thời điểm cuối tháng 4 trở đi, mùa hè nắng nóng sẽ bắt đầu ghé thăm chúng ta. Đây cũng là thời điểm mà nhiều dịch bệnh bùng phát. Trong đó, sốt cao là triệu chứng thường gặp, đặc biệt dễ bùng phát thành nhiều bệnh nguy hiểm khi không được xử trí ban đầu đúng cách.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), sốt là một triệu chứng phổ biến trên lâm sàng. Thông thường, nhiệt độ cơ thể của người thay đổi khi vận động nhiều như chạy, nhảy hoặc trẻ em lúc đùa nghịch. Đặc biệt, trẻ em rất hay bị sốt nhưng không phải tất cả sốt đều nguy hiểm. Sốt cũng không phải là bệnh. Đó là triệu chứng của nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do virus, hoặc nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, sốt cũng có thể do dị ứng với thuốc, ở trẻ em còn có thể sốt do mọc răng hay sau chích ngừa vắc-xin…

Khi bị sốt, người bệnh thường có những triệu chứng như rét run, gai lạnh, khát nước, da đỏ, nóng, ẩm, rối loạn ý thức như mất định hướng, mê sảng và co giật. Thông thường, khi bị sốt, bạn có thể tự chữa khỏi tại nhà bằng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, đôi khi do không xác định đúng hoặc xử trí chưa thực sự đúng cách, tình trạng sốt của bạn sẽ càng trở nên nặng nề hơn, gây nên các biến chứng vô cùng nguy hiểm..

Một trong những biến chứng để lại sau sốt cao chính là di chứng ở thần kinh, não bộ, có những trẻ chỉ sau một đêm đã trở nên thiểu năng trí tuệ, tay chân vận động khó khăn do bại não. Nhất là sốt cao trên 40 độ C, kéo dài mà không được can thiệp kịp thời có thể gây những biến chứng như co giật, mất nước, biến chứng về hô hấp và tim mạch, rối loạn đông máu, di chứng thần kinh, vận động… thậm chí có thể tử vong nếu diễn tiến nặng gây suy đa cơ quan.


XỬ TRÍ ĐÚNG CÁCH KHI BỊ SỐT CAO, TRÁNH BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM
Khi cặp nhiệt độ hoặc đơn giản là dùng tay áp lên trán, thấy có những biểu hiện bị sốt cao, bạn cần nhanh chóng thực hiện theo các bước sau:
Với trẻ nhỏ:
– Cởi bớt quần áo, cho trẻ mặc đồ mỏng và rộng để dễ thoát nhiệt.
– Để trẻ nằm ở nơi thoáng mát, cho trẻ uống nhiều nước.
– Dùng thuốc hạ sốt, lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt nên dùng là paracetamol đơn chất với liều dùng khoảng 10-15mg/1kg cân nặng cho mỗi lần uống thuốc hạ sốt. Lần sau dùng thuốc nên cách lần trước khoảng 4-6 giờ (nếu cần).
– Khi trẻ bị sốt cao 39 độ C trở lên, sau khi sử dụng các biện pháp hạ thân nhiệt để hạ sốt, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế.
– Những trường hợp sốt cao trên 39 độ C, nhất là đối với các bé nhỏ có tiền sử sốt cao co giật hoặc uống thuốc vào bị nôn… cần phải nhanh chóng hạ sốt ngay, thì lựa chọn thuốc hạ sốt đặt hậu môn để nhanh chóng phát huy tác dụng.
– Trong trường hợp sốt cao bị co giật, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh, bế trẻ đặt nằm nghiêng, không được gập đầu bé vì không thở được. Để nguyên không động tĩnh gì đến đứa trẻ. Không day, không vuốt ngực… nếu thấy trẻ nghiến răng. Hãy bình tĩnh để qua cơn đó, cằm của bé sẽ mềm ra thì lúc đó dùng một miếng vải hay chiếc khăn tay chèn vào phòng cơn sau. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Với người lớn:
– Cho bệnh nhân ở nơi thoáng mát, có thể trong nhiệt độ điều hoà từ 25 đến 28 độ, mặc quần áo thoáng, thấm mồ hôi, uống nhiều nước, lau người, hoặc tắm bằng nước ấm…
– Cho bệnh nhân ăn uống bình thường bằng các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp… uống thêm các loại nước hoa quả như cam, chanh…
– Nếu bệnh nhân sốt cao hơn 39 độ C không giảm được nhiệt độ khi điều trị bằng thuốc hạ sốt cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Sốt cao trên 2 ngày hoặc bị sốt rất cao hơn 41 độ C thì cũng cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, tránh biến chứng nguy hiểm.
(ST)
—-
Vina Healthcare khám bệnh Nhi và người lớn tại nhà khu vực TPHCM – Đặt lịch khám: 090.868.115

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo